

Trái phiếu ngân hàng là gì? Người mới bắt đầu có nên mua trái phiếu ngân hàng không?
Trái phiếu là kênh đầu tư được nhiều người quan tâm do khả năng sinh lời ổn định và rủi ro thấp hơn cổ phiếu. Trong đó, trái phiếu ngân hàng là loại trái phiếu được nhiều nhà đầu tư “săn đón” do ngân hàng là các tổ chức tài chính có quy mô lớn, khả năng tài chính tốt và uy tín cao, được quản lý bởi Ngân Hàng Nhà Nước nên có mức độ rủi ro không quá lớn.
Trái phiếu ngân hàng là gì?
Trái phiếu ngân hàng là một loại chứng chỉ nợ được ngân hàng phát hành để huy động vốn từ nhà đầu tư. Về bản chất, ngân hàng chia nhỏ khoản vay thành các trái phiếu và đi vay từ nhà đầu tư. Trái phiếu ngân hàng giúp ngân hàng có thể huy động vốn ngắn-trung hạn. Ngoài ra, hình thức đầu tư này mang tới lợi suất cao hơn cho nhà đầu tư so với gửi tiền tiết kiệm.
Có nên mua trái phiếu ngân hàng?
Mua trái phiếu ngân hàng có an toàn không? Những rủi ro khi mua trái phiếu ngân hàng là gì? Đây chắc hẳn là các câu hỏi được nhà đầu tư Việt Nam rất quan tâm khi nhắc tới loại hình đầu tư này. Đây là loại chứng khoán đáng được nhà đầu tư quan tâm do:
-
Lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng: Trái phiếu ngân hàng thường có mức lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm, nhưng lại thấp hơn lãi suất của trái phiếu doanh nghiệp
-
Vốn đầu tư ban đầu thấp: Khác với trái phiếu doanh nghiệp, nhà đầu tư không cần có số vốn quá lớn để đầu tư trái phiếu ngân hàng.
-
Độ an toàn cao: các trái phiếu ngân hàng được ngân hàng phát hành (ngân hàng chịu sự quản lý chặt chẽ bởi Ngân Hàng Nhà Nước) và loại trái phiếu này được ưu tiên thanh toán nếu ngân hàng phá sản nên đây là kênh đầu tư có rủi ro thấp.
Tuy có độ rủi ro thấp, nhà đầu tư vẫn nên nắm rõ và cẩn trọng trước những yếu tố này:
-
Rủi ro ngân hàng phá sản: Tuy rủi ro này có thể là không cao, tuy nhiên trong quá khứ, nhiều ngân hàng có đội ngũ quản lý yếu kém đã tích lũy rất nhiều nợ xấu và sau cùng trở nên phá sản. Nhà đầu tư nên xem xét tình hình, sức khỏe tài chính của ngân hàng trước khi xuống tiền mua trái phiếu.
-
Rủi ro lãi suất thấp, lạm phát: Do lãi suất trái phiếu ngân hàng phụ thuộc vào lãi suất huy động của ngân hàng đó, trong những thời điểm mà lãi suất huy động thấp thì lãi suất trái phiếu ngân hàng cũng thấp đi tương ứng. Lạm phát nếu vượt mức kỳ vọng cùng lãi suất thấp sẽ khiến khoản đầu tư của bạn trở nên không hiệu quả.
Cách tính lãi suất trái phiếu ngân hàng
Lãi suất trái phiếu ngân hàng giống với các loại trái phiếu doanh nghiệp thông thường. Bạn có thể lấy mức lãi suất coupon nhân với mệnh giá trái phiếu để ra mức lợi nhuận hàng kỳ nhận được.
Top ngân hàng phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất
Trái phiếu ngân hàng VietCapital Bank (Ngân hàng Bản Việt)
VietCapital Bank phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không có chứng quyền, mệnh giá mỗi trái phiếu là 1 tỷ đồng với lãi suất 8.6-9% và kỳ hạn tối đa là 7 năm.
Trái phiếu ngân hàng LienVietPostBank (Ngân hàng Bưu điện Liên Việt)
Ngân hàng Bưu điện Liên Việt phát hành trái phiếu không chuyển đổi, không tài sản đảm bảo, không có chứng quyền với kỳ hạn 7 hoặc 10 năm, mệnh giá 100,000đ, lãi suất trái phiếu được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng một mức chiết khấu: với trái phiếu kỳ hạn 7 năm, lãi suất trái phiếu này bằng lãi suất tham chiếu cộng với 1.9%/năm, với trái phiếu kỳ hạn 10 năm, lãi suất bằng lãi suất tham chiếu cộng với 2.2%/năm. (Lãi suất tham chiếu là lãi suất trung bình của các khoản tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng của một số ngân hàng ở Việt Nam).
Ngoài trái phiếu từ 2 ngân hàng trên, bạn có thể tham khảo thêm trái phiếu Vietcombank (5 năm đầu lãi suất 6.7%, 5 năm sau lãi suất 6.9%), MBBank (5 năm đầu lãi suất 7%, nếu mua lại trước hạn năm thứ 6 và thứ 7 thì lãi suất là 7.7%),...
Trái phiếu ngân hàng là loại chứng khoán hấp dẫn bởi nhà đầu tư có thể kiếm được mức lợi nhuận ổn định nhưng rủi ro không quá cao. Tuy nhiên, rất nhiều trái phiếu được phát hành không được chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo nên khi rủi ro ngân hàng phá sản xảy ra, nhà đầu tư có thể bị thiệt hại nặng nề. Vậy nên nhà đầu tư hãy xem xét, đánh giá kỹ lưỡng khả năng tài chính của ngân hàng trước khi ra quyết định mua trái phiếu.









