

Pivot points là gì? Hướng dẫn cách tính điểm Pivot và Ứng dụng trong giao dịch chứng khoán
Pivot points là một chỉ báo phân tích kỹ thuật tồn tại suốt gần một thế kỉ qua nhưng vẫn mang rất nhiều ý nghĩa trong việc tạo tín hiệu đảo chiều. Ở bài viết này hãy cùng DSC tìm hiểu thêm về loại công cụ pivot points để áp dụng vào giao dịch nhé.
Pivot points là gì?
Lý thuyết về Pivot points được xây dựng dựa trên giá quá khứ - cụ thể hơn là mức mở cửa, thấp nhất và cao nhất của khung thời gian liền trước để tạo nên pivot points mới.
Ngoài ra công thức phổ biến của điểm Pivot được tính như sau:
Pivot = (High + Low + Close)/3
Trong đó:
High - giá cao nhất trong ngày trước đó
Low - giá thấp nhất trong ngày trước đó
Close - giá đóng cửa trong ngày trước đó.
Một số công thức tính Ngưỡng hỗ trợ, kháng cự dựa trên điểm Pivot:
R1 = 2Pivot - Low
S1 = 2Pivot - High
R2 = Pivot + (R1 - S1)
S2 = Pivot - (R1 - S1)
R3 = High + 2 × (Pivot - Low)
S3 = Low - 2 × (High - Pivot)
Trong đó:
R1, R2, R3 - ngưỡng kháng cự
S1, S2, S3 - ngưỡng hỗ trợ.
Các ngưỡng quan trọng trong Pivot points
Trong Pivot points, các mốc có thể được xem như các ngưỡng cản, hỗ trợ và kháng cự. Cũng như các chỉ báo khác, Pivot points nên được sử dụng cùng các chỉ báo khác để tăng độ tin cậy khi xác nhận các mốc quan trọng như đảo chiều hoặc tiếp diễn.
Hỗ trợ và kháng cự vẫn giữ nguyên tính chất linh hoạt khi có thể đổi chỗ cho nhau khi giá vượt qua các vùng giao dịch cũ và hướng tới những vùng mới.
Xác định các vùng giá thông qua Pivot points: Với vùng giá giao động ở trên điểm Pivot, giá hiện tại đang được xem là tích cực. Ngược lại với vùng giá giao động dưới điểm Pivot thì được xem là tiêu cực.
Giao dịch cùng Pivot points
Hiện tượng đảo chiều
-
Như đã nói ở trên các ngưỡng Pivot points có thể đóng vai trò như hỗ trợ hoặc kháng cự nên sẽ xảy ra hiện tượng đảo chiều ở những ngưỡng này. Đặc biệt để kiếm lợi nhuận thì chúng ta cần một tín hiệu đảo chiều tăng chắc chắn. Ở ví dụ dưới đây (VCG, khung D1) chúng ta áp dụng Pivot point cùng một cây nến Hammer xác nhận đảo chiều tăng.
-
Ngoài ra, các nhà đầu tư có thể kết hợp pivot points cùng với các loại mẫu hình. Như ví dụ dưới đây (DCM, khung D1), chúng ta sử dụng pivot points đi kèm với mẫu hình Double Top để xác nhận xu hướng đảo chiều giảm.
Lưu ý: Trước đây Pivot point từng được áp dụng cho giao dịch cùng các điểm breakout để tạo ra cơ hội vào lệnh nhưng do hiện tại chiến lược này được xem là lỗi thời và thường xuyên tạo ra các breakout giả nên không còn được sử dụng phổ biến.
Nhìn chung chỉ báo Pivot points cung cấp cho các nhà đầu tư thêm một góc nhìn mới về các ngưỡng quan trọng của biến động giá. Hy vọng qua bài viết trên, nhà đầu tư có thể sử dụng được Pivot points vào giao dịch từ đó đầu tư hiệu quả hơn. Chúc các bạn luôn thành công!









