Trái phiếu là gì? Cách mua trái phiếu ở Việt Nam
Tại sao Trái phiếu được coi là một kênh đầu tư an toàn trên thị trường đầu tư? Cùng DSC tìm hiểu trái phiếu là gì và các câu hỏi phổ biến của các nhà đầu tư khi đầu tư trái phiếu ở bài viết dưới đây!
Trái phiếu là gì? Trái phiếu coupon là gì?
Trái phiếu là một loại chứng khoán nợ, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành (bao gồm Chính phủ, doanh nghiệp, địa phương). Nói một cách đơn giản, doanh nghiệp phát hành trái phiếu là để vay tiền từ các nhà đầu tư. Thay vì vay ngân hàng (với lãi suất cao, yêu cầu cao về tài sản đảm bảo, tình hình tài chính,…), doanh nghiệp có thể chọn cách chia nhỏ phần tiền mà họ muốn đi vay thành các trái phiếu rồi phát hành cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư sở hữu trái phiếu được gọi là trái chủ.
Một loại trái phiếu khá phổ biến là trái phiếu coupon. Nhà đầu tư trái phiếu coupon được trả lãi định kỳ và nhận phần vốn gốc khi đáo hạn.
Ví dụ: Trái phiếu Coupon được phát hành bởi công ty XXX có thông tin như sau: mệnh giá là 5.000.000đ, lãi suất 10% hàng năm, thời gian đáo hạn 10 năm. Vậy khi mua trái phiếu này, nhà đầu tư sẽ được thanh toán 500.000đ tiền lãi hàng năm và nhận gốc 5.000.000đ vào thời điểm 10 năm sau.
Một trái phiếu điển hình cung cấp thông tin nào?
Mệnh giá trái phiếu là gì? Nên chú ý đến thông tin gì trên trái phiếu? Đây là các câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư trái phiếu. Trên mỗi trái phiếu sẽ có các thông tin quan trọng như mệnh giá trái phiếu, kỳ hạn, lãi suất trái phiếu, tên doanh nghiệp phát hành, ngày phát hành,… Mệnh giá trái phiếu là giá trị được ghi trực tiếp trên trái phiếu, dùng để xác định số lợi tức mà nhà đầu tư nhận được.
Mua trái phiếu ở đâu? Cách đầu tư trái phiếu
Nhà đầu tư có thể mua các trái phiếu được chào bán ra công chúng thông qua các công ty chứng khoán. Bằng cách đặt lệnh mua trên thị trường trái phiếu, nhà đầu tư có thể sở hữu trái phiếu một cách đơn giản. Tuy nhiên, trước khi ra quyết định mua/bán, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ về các thông tin của trái phiếu như lãi suất, kỳ hạn, tình hình tài chính của doanh nghiệp,… để chắc chắn rằng doanh nghiệp phát hành trái phiếu có khả năng trả nợ và lãi đúng hạn và lãi suất đủ hấp dẫn để đầu tư. Nhà đầu tư có thể tham khảo đọc bản cáo bạch chào mua trái phiếu do doanh nghiệp công bố mỗi khi phát hành trái phiếu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam có khá ít sự lựa chọn khi có đến khoảng 95% lượng trái phiếu được phát hành tại Việt Nam là trái phiếu phát hành riêng lẻ. Bởi theo quy định của nhà nước, đối tượng mua trái phiếu riêng lẻ bắt buộc là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo điều 11 Luật Chứng khoán năm 2019, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp phải thuộc một trong các đối tượng sau đây:
-
Tổ chức tài chính như ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm,…
-
Công ty có vốn điều lệ trên 100 tỷ đồng
-
Cá nhân có chứng chỉ hành nghề chứng khoán
-
Người nắm giữ danh mục chứng khoán có giá trị trên 2 tỷ đồng và được công ty chứng khoán xác nhận
-
Cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng.
Hiện nay, nhiều nhà đầu tư cá nhân “lách luật” nhờ vào quy định số 4: nắm giữ danh mục trên 2 tỷ và có xác nhận của công ty chứng khoán. Theo đó, nhà đầu tư chịu bỏ ra một mức phí từ 3-8 triệu cho công ty chứng khoán để có được giấy xác nhận. Sau khi mở tài khoản giao dịch chứng khoán, môi giới cần giao dịch cho khách hàng đủ tổng giá trị giao dịch 2 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện chứng nhận.
Ngoài ra, nhà đầu tư có thể “núp bóng” nhà đầu tư chuyên nghiệp để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng sẽ gặp rủi ro lớn bởi các doanh nghiệp này chưa công bố thông tin đầy đủ. Nếu chỉ quan tâm tới mức lãi suất cao mà không đánh giá các yếu tố khác như tài sản đảm bảo, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp, mục đích phát hành trái phiếu,… nhà đầu tư rất dễ bị đánh lừa và mất cả gốc lẫn lãi.
Loại trái phiếu nào thường có lãi suất thấp?
Thông thường, những trái phiếu có độ rủi ro thấp và thời gian đáo hạn ngắn thì sẽ có lãi suất thấp hơn. Ví dụ: Lãi suất trái phiếu chính phủ tháng 2/2022 là 2.30%/năm, lãi suất ngân hàng là 5-7%/năm do trái phiếu chính phủ được đánh giá là an toàn hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.
Nhà đầu tư mới có nên mua trái phiếu không?
Trái phiếu là kênh đầu tư hấp dẫn bởi mức lãi suất thường cao hơn lãi suất ngân hàng. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân khi muốn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị tâm thế cẩn trọng, nghiên cứu kĩ doanh nghiệp để đảm bảo rằng họ khả năng và sẽ trả tiền cho mình trước khi bị thu hút bởi mức lãi suất “khủng”.
Mong rằng phần phân tích trên có thể giúp bạn có thêm kiến thức về Trái phiếu, nếu bạn muốn nhận thêm tư vấn từ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm của DSC để có quyết định đầu tư chính xác hơn hãy liên hệ hay với chúng tôi nhé!









