Hướng dẫn phân tích và đầu tư Trái phiếu hiệu quả
Trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm thấp, các kênh đầu tư khác đều rủi ro cao, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) với lãi suất hấp dẫn vẫn có sức hút lớn. Tuy nhiên, nếu chọn đầu tư sai vào trái phiếu quảng bá lãi suất cao với thời hạn ngắn, nhà đầu tư sẽ có nguy cơ mua rủi ro cho chính mình.
Hướng dẫn đầu tư trái phiếu cho người mới bắt đầu
Với nhiều người mới sẽ không biết bắt đầu từ đâu để tham gia thị trường chứng khoán. Bạn có thể thực hiện theo hướng dẫn đầu tư chứng khoán cơ bản với 3 bước:
Bước 1: Mở tài khoản chứng khoán
Mở tài khoản chứng khoán là khâu đầu tiên và bắt buộc người chơi muốn tham gia cần thực hiện. Tài khoản là nơi thực hiện các giao dịch, lưu trữ chứng khoán và tiền của bạn. Thực hiện bước đầu tiên mở tài khoản sẽ giúp bạn có thể tiếp tục nạp tiền, mua bán, động lực để bắt đầu đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thị trường chứng khoán Việt nam có hàng trăm công ty chứng khoán quảng cáo để thu hút người mới đăng ký mở tài khoản. Vậy nên mở tài khoản chứng khoán ở đâu? Hiện nay có 2 cách để người mới có thể bắt đầu mở tài khoản chứng khoán:
-
Mở tài khoản tại sở giao dịch chứng khoán tại HoSE (tại TP. Hồ Chí Minh), HNX (tại Hà Nội). Người chơi sẽ được mở tài khoản ở các sàn giao dịch nằm trong hệ thống của sở giao dịch chứng khoán tương ứng.
-
Mở tài khoản tại các công ty chứng khoán. Trong đó, với công nghệ hiện nay, bạn có thể mở tài khoản chứng khoán online với việc điền thông tin ngắn gọn chỉ mất khoảng 5 phút.
Để mở tài khoản chứng khoán tại một sàn giao dịch/ công ty chứng khoán cầu lưu ý những tiêu chí sau:
-
Thị phần giao dịch môi giới của công ty: Yếu tố chiếm 50% điểm để người dùng lựa chọn mở tài khoản, thể hiện chiến lược và dịch vụ được yêu chuộng, thu hút khách hàng của công ty.
-
Phí giao dịch hỗ trợ: Đa phần các sàn và công ty chứng khoán lớn đều có phí giao dịch cao. Nhưng cũng không hẳn công ty có phí giao dịch thấp sẽ có chất lượng dịch vụ kém, để thu hút khách hàng.
-
Uy tín của sàn và công ty chứng khoán trên thị trường, với thời gian hoạt động, sản phẩm và dịch vụ hỗ trợ khách hàng.
Bước 2: Nạp tiền vào tài khoản chứng khoán
Sau khi đã hoàn thành thủ tục đăng ký, người chơi cần nạp tiền vào tài khoản chứng khoán để thực hiện mua bán, giao dịch. Vậy cần nộp bao nhiêu tiền vào tài khoản chứng khoán?
-
Thực tế, các công ty chứng khoán sẽ không quy định người chơi phải nộp tối thiểu bao nhiêu tiền vào tài khoản. Bạn có thể nạp 10 triệu đồng hay chỉ vài trăm ngàn đồng để bắt đầu mua bán.
-
Quy định của sàn giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh, yêu cầu đơn vị giao dịch khớp lệnh là 100 cổ phiếu – Tương đương với một mã chứng khoán. Do vậy, số tiền tối thiểu cần có để có thể mua bán sẽ là đơn giá của một cổ phiếu x 100.
-
Quy định của sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội, thì yêu cầu đơn vị giao dịch khớp lệnh là 100 cổ phiếu. Số tiền tối thiểu cần nạp tương đương với số tiền tối thiểu là giá một cổ phiếu x 100.
Bước 3: Đặt lệnh “mua/bán” cổ phiếu
Sau khi đã có tài khoản và tiền để thực hiện giao dịch, người chơi có thể đăng nhập tài khoản trên phần mềm giao dịch tương ứng của sàn/ công ty.
Nhà đầu tư mua đặt lệnh mua, chọn “giao dịch cổ phiếu” sau đó click vào “phiếu lệnh” hoặc trực tiếp vào “phiếu lệnh” trên giao diện mặc định, tiếp tục chọn “mua”, nhập mã cổ phiếu muốn mua, nhập số lượng, chọn loại lệnh đặt… Sau đó xác nhận để thực hiện mua.
Đặt lệnh bán cổ phiếu với các bước: “giao dịch cổ phiếu”, click chọn “phiếu lệnh”, tiếp tục chọn số lượng và giá cổ phiếu cần bán, nhấp vào bán để thực hiện lệnh và chọn “xác nhận” để bán.
Mua trái phiếu ở đâu?
Việc hiểu về trái phiếu có thể khá phức tạp, thế nhưng đầu tư vào chúng rất dễ dàng.
Trái phiếu có thể được mua trực tiếp thông qua chính phủ, thông qua các công ty môi giới chiết khấu hoặc tốt nhất là nằm trong gói của các quỹ ETF trái phiếu đa dạng hoặc quỹ tương hỗ.
Các nhà đầu tư tiết kiệm nên cân nhắc nắm giữ một số trái phiếu như một phần trong danh mục đầu tư của họ để chống lại sự biến động của cổ phiếu và các khoản đầu tư khác khác được coi là rủi ro cao hơn.
Trái phiếu phổ biến nhất trên thị trường là trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, trái phiếu chính phủ có mức độ an toàn cao nhất. Trái phiếu doanh nghiệp thì thường có lợi nhuận hấp dẫn hơn nhưng rủi ro cao hơn và cần được cân nhắc lựa chọn kĩ càng.
Bí quyết chọn trái phiếu doanh nghiệp an toàn cao, hạn chế rủi ro
Nhà đầu tư nên thẩm định kỹ các tiêu chí sau để sàng lọc những các doanh nghiệp uy tín:
Doanh nghiệp đi vay có cung cấp đầy đủ thông tin minh bạch để bạn có thể theo dõi tình hình kinh doanh không?
Nhà đầu tư nên chọn lựa các doanh nghiệp niêm yết do những doanh nghiệp này bị ràng buộc phải cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật. Theo đó, các thông tin về báo cáo tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, các thông tin bất thường… sẽ được doanh nghiệp công bố rộng rãi, minh bạch để nhà đầu tư dễ dàng tìm kiếm và tiếp cận.
Doanh nghiệp có vị thế dẫn đầu trong ngành không? Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có lịch sử rõ ràng không?
Nhà đầu tư nên lựa chọn những doanh nghiệp có lịch sử kinh doanh lâu đời, có uy tín trên thị trường, ngành nghề đang kinh doanh nằm trong những doanh nghiệp top đầu toàn ngành.
Doanh nghiệp hoạt động trong ngành có triển vọng tươi sáng và ít rủi ro không? Ngành nghề có tạo dòng tiền ổn định và ít chịu ảnh hưởng của chu kỳ kinh tế không?
Lãi phải trả đối với trái phiếu là cố định theo kỳ trả lãi, vì vậy doanh nghiệp cần có nguồn tài chính ổn định để trả lãi. Nhà đầu tư cần tìm hiểu xem ngành nghề doanh nghiệp đang kinh doanh có tạo ra được dòng tiền ổn định để đáp ứng việc trả lãi hay không, cũng như dòng tiền này có chịu ảnh hưởng lớn từ các biến động của thị trường và của chu kỳ kinh tế hay không. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tăng trưởng ổn định, ít chịu rủi ro từ biến động thị trường thì khả năng doanh nghiệp trả lãi và gốc đúng hạn cho nhà đầu tư sẽ cao hơn.
Ban lãnh đạo của doanh nghiệp có uy tín không? Cổ đông của doanh nghiệp có uy tín không?
Sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thực thi, uy tín của Ban lãnh đạo và cổ đông của doanh nghiệp. Ban lãnh đạo có kinh nghiệm vượt trội, có uy tín tốt sẽ đảm bảo quyền lợi cho các bên trong đó có các chủ nợ (các bên nắm giữ trái phiếu)
Tình hình tài chính của công ty có bền vững không?
Tài chính của doanh nghiệp vững chắc được thể hiện ở tỉ lệ nợ, hệ số khả năng trả nợ ở mức an toàn, chỉ số tăng trưởng tốt, dòng tiền ổn định, thông qua các chỉ tiêu đánh giá như tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu, tỷ lệ nợ/EBITDA, kế hoạch trả nợ dự kiến của doanh nghiệp…
Nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ về khả năng trả nợ của tổ chức phát hành cũng như điều khoản điều kiện của trái phiếu trước khi quyết định đầu tư. Nhà đầu tư nên lựa chọn tổ chức phát hành và đơn vị tư vấn uy tín, tìm kiếm nguồn thông tin minh bạch.
Kinh nghiệm đầu tư trái phiếu
Để tránh những rủi ro không đáng có khi đầu tư trái phiếu, ban nên lưu ý những điều sau đây:
-
Lựa chọn Trái phiếu của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường.
-
Nên đầu tư đa dạng các danh mục để tối đa hóa lợi nhuận; ưu tiên những ngành nghề đang phát triển tốt, mạnh, bền vững trên thị trường (y tế; công nghệ thông tin,…)
-
Người sở hữu Trái phiếu có thể được: mua – bán, cho tặng, thừa kế…và các quyền khác theo quy định của pháp luật, được cung cấp bản công bố thông tin phát hành và các hồ sơ liên quan.
-
Không cần lo đến biến động lãi suất ngân hàng vì kỳ vọng hưởng lợi suất đầu tư cao hơn hẳn lãi suất tiết kiệm thông thường cùng kỳ hạn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng.
Hướng dẫn quản trị rủi ro đầu tư trái phiếu
Nhà đầu tư có thể gặp phải những rủi ro tiềm ẩn nào khi đầu tư trái phiếu? Cùng DSC phân tích 5 rủi ro phổ biến trên thị trường tài chính:
Rủi ro tín dụng
Rủi ro tín dụng là rủi ro khi người đi vay không chi trả được nợ đối với người cho vay khi đến hạn phải thanh toán
Nếu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, doanh nghiệp có thể không thanh toán được đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi trái phiếu; hoặc không thực hiện được cam kết với nhà đầu tư về mua lại trái phiếu trước hạn. Khi đó, với những trái phiếu không có tài sản đảm bảo, không có tổ chức bảo lãnh, nhà đầu tư có thể phải gánh chịu rủi ro thua lỗ. Do vậy, việc lựa chọn các doanh nghiệp an toàn nên là ưu tiên hàng đầu khi đầu tư trái phiếu.
Rủi ro thanh khoản
Rủi ro thanh khoản là rủi ro nhà đầu tư không thể ngay lập tức bán được trái phiếu khi có nhu cầu tiền mặt, hoặc không bán được trái phiếu với mức giá kỳ vọng, hoặc phải chi trả nhiều chi phí để bán được trái phiếu.
Trái phiếu thường có kỳ hạn dài. Trong khi đó, thị trường thứ cấp (mua đi bán lại) của các trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển khiến rủi ro của người nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp gia tăng. Nhà đầu tư có thể không tìm được người mua hoặc phải bán rẻ trái phiếu để thu hồi vốn. Nếu đầu tư trái phiếu kỳ hạn dài nhưng có nhu cầu rút tiền trước hạn, nhà đầu tư hãy chắc chắn về khả năng có thể rút tiền trước hạn, tính pháp lý cũng như chi phí cho việc rút tiền trước hạn.
Rủi ro lãi suất
Lãi suất và giá trái phiếu có mối quan hệ tỉ lệ nghịch. Khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những trái phiếu có lãi suất cao hơn so với lãi suất hiện tại của thị trường, dẫn đến việc tăng giá trái phiếu. Ngược lại, khi mức lãi suất bắt đầu tăng lên, các nhà đầu tư sẽ bỏ những trái phiếu mà nhà phát hành trả lãi suất thấp. Điều này sẽ làm cho giá trái phiếu giảm xuống.
Sau khi đầu tư, nếu lãi suất tăng lên nhà đầu tư sẽ bị mất chi phí cơ hội có thể đầu tư ở mức lãi suất tốt hơn. Hầu hết các trái phiếu doanh nghiệp hiện tại đều có cấu trúc lãi suất thả nổi, được điều chỉnh theo thị trường nên rủi ro này không lớn.
Rủi ro pháp lý
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển, nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin để có thể lựa chọn được các trái phiếu an toàn. Không phải bất cứ đơn vị phân phối trái phiếu nào cũng cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết để giúp nhà đầu tư có hiểu biết và đánh giá đầy đủ về các rủi ro trước khi ra quyết định đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn đơn vị tư vấn và phân phối trái phiếu uy tín để đảm bảo trái phiếu được phát hành đúng luật và có thể tiếp cận thông tin trái phiếu một cách minh bạch.
Làm sao để tránh tình trạng “lời giả, lỗ thật”?
Năm 2021 tiếp tục là một năm thăng hoa của thị trường TPDN, từng bước trở thành một kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng đối với nền kinh tế. Theo tập đoàn FiinGroup, trong năm 2021, trái phiếu đã trở thành một kênh đầu tư đại chúng với quy mô phát hành lên tới 659 nghìn tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kép trong vòng 5 năm qua là 55,4%/năm. Hiện có khoảng 300 nghìn nhà đầu tư đã tham gia vào thị trường TPDN. Dù tăng trưởng nhanh, song quy mô của thị trường hiện mới chiếm khoảng 15% GDP, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực như Malaysia là hơn 50%, Singapore là gần 40%...
Song, liên tiếp gần đây, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra các cảnh báo về những rủi ro phát sinh trong việc đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp rủi ro, nhất là khi người mua bị hấp dẫn bởi mức lãi suất mà các doanh nghiệp “mời gọi”.
Theo Tổng giám đốc một tổ chức tài chính tại TPHCM, người mua trái phiếu trước tiên phải quan tâm rất kỹ “thương hiệu doanh nghiệp có trái phiếu, năng lực ra sao và dùng tiền vào việc gì? Tổ chức tài chính phát hành là đơn vị nào?”. Người mua có thể dễ dàng so sánh khi trên thị trường mặt bằng lãi suất tiết kiệm chỉ 6-7%/năm, nhưng 1 doanh nghiệp huy động đến 12%/năm thì phải đặt dấu hỏi. “Đừng thấy lãi suất cao và quảng cáo có ngân hàng đứng sau mà đổ tiền mua, nhưng không biết rằng chính mình đang phải gánh rủi ro của doanh nghiệp” – ông cho biết.
Nhà đầu tư nên ưu tiên mua trái phiếu của doanh nghiệp hàng đầu
Bà Bùi Thị Thu Hà – Giám đốc Cao cấp Tư vấn và Kinh doanh- Công ty Cổ phần Chứng khoán Kỹ Thương (Techcom Securites – TCBS), khuyến nghị: “Nhà đầu tư chỉ nên “chọn mặt gửi vàng” mua trái phiếu của những thương hiệu doanh nghiệp lớn, thông qua các tổ chức tài chính hàng đầu phát hành. Lúc đó, khoản đầu tư trái phiếu của người mua mới thực sự an toàn, linh hoạt và tiện ích”.
Theo lời khuyên của bà Thu Hà, thương hiệu của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là một tiêu chí dễ nhận biết với hầu hết các nhà đầu tư cá nhân. Khi được chào mời mua trái phiếu, việc đầu tiên mà nhà đầu tư nên xem ngay là tên tuổi của tổ chức phát hành. “Theo quy định thì doanh nghiệp không được phép trực tiếp phát hành trái phiếu đến tay nhà đầu tư. Mọi trái phiếu đều phải có một công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ phát hành và doanh nghiệp phải lựa chọn một trong 3 phương thức phát hành (i) Đấu thầu hoặc (ii) Bảo lãnh phát hành hoặc (iii) Đại lý phát hành thông qua một tổ chức có giấy phép thực hiện nghiệp vụ này” – bà Hà cho hay. Đơn cử, ngay từ khâu lập hồ sơ phát hành trái phiếu, đội ngũ chuyên gia tài chính, luật pháp và quản trị rủi ro của TCBS sẽ đưa vào các điều khoản bảo vệ nhà đầu tư bằng cách quy định trách nhiệm của tổ chức phát hành trong việc công bố thông tin định kỳ, bất thường đầy đủ, duy trì các chỉ số tài chính lành mạnh, duy trì giá trị của tài sản bảo đảm so với dư nợ trái phiếu, dự phòng trả nợ thanh toán gốc lãi trái phiếu hoặc kiểm soát dòng tiền của doanh nghiệp để đảm bảo trả nợ.
Thông thường lãi suất trái phiếu phát hành bởi những tổ chức phát hành hàng đầu thị trường như TCBS chỉ cao hơn từ 1 - 2%/năm so với lãi suất tiết kiệm, nhưng đây là một sự lựa chọn an toàn cho nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm đánh giá trái phiếu. Ngược lại, nếu tổ chức phát hành là một doanh nghiệp ít danh tiếng thì nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng, tránh bị hấp dẫn bởi lãi suất cao. Các doanh nghiệp phát hành này, đôi khi, vì quá cần vốn mà sẵn sàng đưa ra thông tin trái sự thật với cam kết lãi suất cao hơn rất nhiều so với khả năng tài chính của doanh nghiệp, đồng nghĩa đẩy rủi ro cho nhà đầu tư cá nhân.









