

Rủi ro thanh khoản là gì? Ví dụ về rủi ro thanh khoản ngân hàng thương mại
Thanh khoản luôn là một vấn đề nan giải của mỗi tổ chức tài chính bởi khi nắm giữ nhiều tài sản có tính thanh khoản cao thì doanh nghiệp sẽ phải đánh đổi với tốc độ sinh lời rất thấp, nhưng ngược lại nếu không đảm bảo được ở mức phù hợp, công ty sẽ phải đối mặt với vấn đề thâm hụt thanh khoản.
Rủi ro thanh khoản là gì? Quản trị rủi ro thanh khoản là gì?
Rủi ro thanh khoản là gì?
Được đánh giá là một trong 3 rủi ro trọng yếu của NHTM, rủi ro thanh khoản (Liquidity Risk) xảy ra khi ngân hàng không có đủ tiền mặt và khả năng vay thêm cũng bị hạn chế, dẫn đến khó có thể thỏa mãn nhu cầu rút tiền của khách hàng và các nhu cầu về tiền mặt khác.
Nói cách khác, khi ngân hàng không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của mình thì sẽ phải đối mặt với rủi ro thanh khoản.
Quản trị rủi ro thanh khoản là gì?
Quản trị rủi ro thanh khoản được định nghĩa dựa trên 3 yếu tố sau:
Quản trị rủi ro thanh khoản được hình thành khi ngân hàng không thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ ngắn hạn của mình;
Đây là hoạt động quản lý nhằm xác định, kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu tối đa thiệt hại mà rủi ro thanh khoản mang lại.
Quản trị rủi ro thanh khoản là nhiệm vụ của các NHTM và hơn hết là trách nhiệm của NHNN Việt Nam.
Tại sao quản trị rủi ro thanh khoản lại được quan tâm đặc biệt tại các ngân hàng thương mại?
Việc quản trị rủi ro thanh khoản đóng vai trò quan trọng bởi sự chênh lệch giữa cung và cầu thanh khoản gần như không thể cân bằng với nhau tại một thời điểm nhất định, đồng thời, ngân hàng cũng phải có chiến lược phù hợp để hạn chế chi phí đánh đổi giữa tính thanh khoản và khả năng sinh lợi của ngân hàng.
Như vậy, khó khăn về thanh khoản luôn là vấn đề thường trực cần được đặt lên hàng đầu và ngân hàng luôn có sức ép phải đáp ứng nhu cầu thanh khoản một cách hoàn hảo. Dù vậy nhưng đây không phải vấn đề dễ dàng giải quyết.
Nguyên nhân của rủi ro thanh khoản
Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến việc ngân hàng phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, trong đó có một vài nguyên nhân chính như sau:
Toàn bộ thị trường mất tính thanh khoản.
Lượng tiền gửi tại các NHTM bị giảm sút do tác động của lạm phát hay do khách hàng mất niềm tin vào ngân hàng.
Chính sách tiền tệ thắt chặt của NHNN cũng có thể khiến cho số NHTM không thể đáp ứng kịp thời và bị mất thanh khoản do cơ cấu đầu tư.
Khách hàng rút tiền ồ ạt và ngân hàng gặp khó khăn trong việc chi trả tại thời điểm đó hoặc trong tương lai gần.
Ngân hàng gặp khó khăn trong việc chuyển đổi tài sản thành tiền hoặc khó khăn trong việc huy động vốn từ các nguồn khác.
Ngoài ra, rủi ro thanh khoản cũng có thể phát sinh từ nội tại của ngân hàng. Với một chiến lược quản trị thanh khoản thiếu tính đúng đắn có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng, hoặc cũng có thể do tác động dây chuyền và nhanh chóng lan tỏa trong toàn hệ thống ngân hàng khi có một ngân hàng phát sinh rủi ro.
Hậu quả của rủi ro thanh khoản
Khi bị thâm hụt thanh khoản, ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lợi của mình và tác động đến kết quả hoạt động kinh doanh trong cùng thời kỳ đó. Cụ thể, ngân hàng sẽ phải đối mặt với những vấn đề như sau:
Ngân hàng sẽ buộc phải chuyển hóa tài sản có thanh khoản thành tiền. Tuy nhiên nó sẽ không dễ dàng. Ngân hàng có thể phải chấp nhận bán tại mức giá thấp, đồng nghĩa với việc phải chịu một mức chi phí cao hoặc cũng có khả năng không thể bán tài sản.
Khi ngân hàng phải bán tài sản để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, quy mô của ngân hàng sẽ bị thay đổi, tác động xấu đến số liệu trên Bảng cân đối kế toán.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận với thị trường tiền tệ để vay vốn dường như cũng trở nên khó khăn hơn.
Ngân hàng phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của NHTW.
Niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư cũng bị tác động xấu, dẫn đến khả năng rút vốn ồ ạt, ngân hàng sẽ một lần nữa bị ép sâu hơn vào vết lún của mình.
Nếu rủi ro thanh khoản tiếp diễn quá lâu và ngày càng trở nên nghiêm trọng thì ngân hàng còn phải đối mặt thêm với tình trạng mất khả năng thanh toán (solvency risk) và thậm chí có thể đẩy ngân hàng đến bờ vực của sự phá sản.
Biện pháp hạn chế rủi ro thanh khoản
Về phía ngân hàng nhà nước:
Đứng trước rủi ro về tính thanh khoản, NHNN có thể hỗ trợ thông qua công cụ điều hành chính sách tiền tệ, trong đó: Các NHTM lớn sẽ thông qua nghiệp vụ thị trường mở tại NHNN còn đối với các NHTM nhỏ thì sẽ thông qua công cụ tái cấp vốn.
Việc hỗ trợ của NHNN sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn, do đó đòi hỏi các NHTM phải đưa ra những chiến lược phù hợp và kịp thời.
Đối với ngân hàng thương mại
Có thể thấy, mỗi ngân hàng thương mại sẽ có những đặc trưng, quy định khác biệt, tuy nhiên, có thể thực hiện một số giải pháp sau:
Thực hiện tái cơ cấu lại tài sản nợ bởi đặc trưng của NHTM là đi vay những khoản tiền có kỳ hạn ngắn và cho vay những khoản vay có kỳ hạn dài. Việc chênh lệch giữa kỳ hạn các khoản tiền là một trong những lí do cốt lõi gây ra rủi ro về tính thanh khoản.
Phát hành giấy tờ có giá hoặc điều chỉnh giảm cơ cấu cho vay vào các lĩnh vực nhạy cảm, rủi ro nhiều(chứng khoán, bất động sản và tiêu dùng…)
Thực hiện tối ưu hóa chiến lược tín dụng kết hợp với việc đảm bảo tính an toàn của từng khoản tín dụng.
Việc thiết lập một hệ thống và chiến lược quản trị thanh khoản đủ mạnh, cùng với một kế hoạch dự phòng thanh khoản trong trường hợp khẩn cấp cũng là một biện pháp cần thiết.
Ví dụ về rủi ro thanh khoản ngân hàng thương mại
Một bài học đắt giá qua nhiều năm đối với nền kinh tế thế giới chính là sự sụp đổ của Ngân hàng Lehman Brother vào năm 2008 - tổ chức được đánh giá là ngân hàng đầu tư có quy mô lớn thứ 4 tại Mỹ, đồng thời sở hữu 25.000 nhân viên trên khắp thế giới lúc bấy giờ.
Sự sụp đổ của tổ chức tài chính được coi là “Too big to fail” này mặc dù không xuất phát trực tiếp từ rủi ro thanh khoản, nhưng nó đã gây ra hệ lụy về thanh khoản kèm theo các tác động mang tính dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế Mỹ và thế giới, trong đó có Việt Nam.
Với khoản nợ lên tới hơn 600 tỷ USD, vào ngày 15/ 9/2008, Lehman Brothers đã phải tuyên bố phá sản, cùng với đó. Trong suốt khoảng thời gian từ khi bắt đầu khủng hoảng đến khi phá sản, Lehman Brother đã bị mất niềm tin tuyệt đối từ khách hàng và kết quả là Lehman Brother đã phải hứng chịu cơn lốc rút tiền ồ ạt. Tại thời điểm đó, ngân hàng này đã không đáp ứng được nhu cầu cực lớn này, dẫn đến càng ngày càng lún sâu hơn vào sự suy yếu của mình.
Như vậy, chúng ta không chỉ thấy một hệ lụy to lớn của rủi ro thanh khoản mà còn có thể thấy được mối quan hệ mật thiết giữa rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản. Khi cả hai vấn đề này xảy ra, có thể gây ra tác động cực kì kinh khủng đối với nền kinh tế.
Tóm lại, có thể nói rủi ro thanh khoản đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản trị hoạt động của ngân hàng. Một ngân hàng, hay một tổ chức tài chính có thực sự tồn tại được lâu dài và bền vững hay không, phần lớn phụ thuộc vào yếu tố thanh khoản này.
Top 5 cổ phiếu tốt nhất để đầu tư ngay bây giờ!
Nhóm phân tích của Chứng khoán DSC vừa xác định được Top 5 cổ phiếu mà chúng tôi tin là tốt nhất để các nhà đầu tư mua ngay bây giờ. 5 cổ phiếu này có thể tạo ra lợi nhuận vượt trội trong năm nay:










