Vốn điều lệ là gì? Vốn điều lệ phản ánh điều gì của doanh nghiệp?
Để một công ty có thể ra đời đúng theo quy trình mà pháp luật doanh nghiệp đã quy định, không thể không nhắc tới yếu tố vốn. Nguồn vốn doanh nghiệp đa dạng, được chia thành nhiều loại. Tiêu biểu là Vốn chủ sở hữu và Vốn điều lệ.
Chúng ta đã được tìm hiểu về Vốn chủ sở hữu, phân biệt sơ qua hai loại vốn qua so sánh Vốn chủ sở hữu và Vốn điều lệ ở bài viết trước. Trong bài viết dưới đây, DSC sẽ cùng bạn tìm hiểu sâu hơn về Vốn điều lệ, để hiểu được bản chất và nhận dạng được hai loại vốn quan trọng này.
Vốn điều lệ là gì?
Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên góp vốn cam kết sẽ góp vào khi thành lập doanh nghiệp (không được phép thấp hơn vốn pháp định – nếu có). Bản chất là khoản tài sản mà những chủ thể góp vốn vào công ty với mong muốn trở thành chủ sở hữu của công ty và hưởng lợi từ đó..
Vốn điều lệ được xem như là một loại tài sản của doanh nghiệp. Do đó, nó cũng được xem là một khoản nợ khi doanh nghiệp phá sản.
Vốn điều lệ phản ánh điều gì của doanh nghiệp?
Vốn điều lệ - thành phần bắt buộc phải đăng ký khi thành lập doanh nghiệp - thể hiện mức đầu tư, quy mô hoạt động của doanh nghiệp. Và quan trọng hơn cả, công ty sẽ chịu trách nhiệm trên số vốn điều lệ đã đăng ký về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác như thuế môn bài khi hoạt động.
Các loại tài sản hợp lệ để góp vốn điều lệ?
Theo Luật Doanh nghiệp Việt Nam, cách hình thức tài sản hợp lệ để góp Vốn điều lệ bao gồm: Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.
Lưu ý: Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp hoặc có quyền sử dụng hợp pháp đối với tài sản quy định trên thì mới có quyền sử dụng tài sản đó để góp vốn theo quy định của pháp luật.
Phân biệt Vốn điều lệ và Vốn pháp định?
Vốn pháp định là mức Vốn điều lệ tối thiểu phải có để có thể thành lập một doanh nghiệp nào đó và do Cơ quan có thẩm quyền ấn định và sẽ khác nhau tùy theo lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.
Hiểu theo cách thông dụng nhất, khi tham gia một trò chơi, chúng ta phải tuân thủ luật chơi của người quản trò đưa ra. Nghĩa là, khi bạn muốn thành lập một công ty, thì số Vốn điều lệ bạn đăng ký trên giấy phép kinh doanh phải đảm bảo không thấp hơn Vốn pháp định theo ngành nghề của bạn.
Một số câu hỏi về Vốn điều lệ?
Vốn điều lệ được ghi ở đâu?
Vốn điều lệ được ghi tại Điều lệ công ty và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Để tra cứu thông tin về vốn điều lệ của một doanh nghiệp, nhà đầu tư có thể tra cứu trực tuyến qua cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp hoặc Sở kế hoạch và đầu tư.
Số vốn điều lệ tối thiểu để thành lập doanh nghiệp là bao nhiêu?
Câu trả lời là còn tuỳ vào doanh nghiệp đó sẽ đăng ký ngành nghề kinh doanh gì?
Nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh bình thường không yêu cầu vốn pháp định, thì theo luật không quy định mức vốn tối thiểu để thành lập công ty.
Còn nếu doanh nghiệp đăng ký ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định để hoạt động, thì vốn tối thiểu để thành lập công ty chính là bằng với mức quy định của ngành nghề kinh doanh đó.
Trong thực tế có nhiều đơn vị doanh nghiệp đã đăng ký vốn điều lệ công ty là 1 triệu đồng, điều này hoàn toàn pháp luật không cấm, tuy nhiên khi đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp như vậy thì khi đi giao dịch và làm việc với đối tác, các cơ quan ngân hàng, thuế thì họ thường không tin tưởng doanh nghiệp này và rất hạn chế giao dịch và cũng là một trở ngại lớn khi đăng ký mức vốn điều lệ quá thấp. Cho nên cần đăng ký mức tương đối và phù hợp với thực tế để thuận tiện hơn cho việc kinh doanh.
Doanh nghiệp có cần chứng minh vốn điều lệ khi đăng ký kinh doanh không? Thời hạn góp vốn điều lệ doanh nghiệp là bao lâu?
Luật doanh nghiệp Việt nam tuy có quy định về việc phải góp vốn đủ trong vòng 90 ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế có rất ít doanh nghiệp phải chứng minh và góp đủ vốn như lúc kê khai thành lập doanh nghiệp. Thực tế họ cứ thành lập mà không cần phải chứng minh. Tuy nhiên khai vốn điều lệ bao nhiêu thì các cá nhân thành lập công ty phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn khai đó.
Có phân biệt doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ bằng vốn điều lệ không?
Trên lý thuyết, Vốn điều lệ không ảnh hưởng tới kết quả đăng ký thành lập doanh nghiệp vì doanh nghiệp không phải chứng minh lượng vốn góp thực tế có khớp với Vốn điều lệ trên giấy tờ đăng ký.
Tuy nhiên trên thực tế, Vốn điều lệ chi phối rất nhiều tới uy tín, vị thế của doanh nghiệp trên thị trường cũng như trách nhiệm về thuế và nợ của doanh nghiệp đó. Vì vậy, thông thường vốn điều lệ sẽ tỉ lệ thuận với quy mô doanh nghiệp.
Ngoài ra, Luật doanh nghiệp cũng quy định rõ nghiêm cấm hành vi: kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký, cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị, nhắm vào những doanh nghiệp không minh bạch với mục đích bất chính. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi báo cáo doanh nghiệp cũng như báo cáo tài chính cụ thể để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về doanh nghiệp mình đầu tư.
Cách tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp
Doanh nghiệp có thể tăng Vốn điều lệ bằng cách:
-
Tăng vốn góp của thành viên công ty.
-
Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.
Như vậy, tương ứng với công ty cổ phần, hình thức tăng Vốn điều lệ sẽ là:
-
Chào bán cổ phần cho các cổ đông hiện hữu.
-
Chào bán cổ phần ra công chúng.
Lưu ý, khi doanh nghiệp tăng vốn điều lệ đồng nghĩa với trách nhiệm tăng lên cùng với khối tài sản của công ty, nếu vốn điều lệ là 1 tỷ thì trách nhiệm của doanh nghiệp nằm trong phạm vi 1 tỷ và khi tăng vốn điều lệ lên thì trách nhiệm của công ty cũng tăng lên tương ứng.
Kết lại, Vốn điều lệ là số vốn do các thành viên góp vốn cam kết sẽ góp vào khi thành lập doanh nghiệp, được công khai trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Vốn điều lệ có nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên trong công ty. Từ đó, làm căn cứ để phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên tham gia góp vốn. Ngoài ra, vốn điều lệ đôi khi còn cho thấy quy mô, năng lực và vị trí của công ty trên thị trường, cũng như trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác. Đây là một trong những cơ sở để nhà đầu tư đánh giá được vị thế, tiềm năng, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần theo dõi báo cáo doanh nghiệp cũng như báo cáo tài chính cụ thể để có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về doanh nghiệp mình quan tâm, để đưa ra quyết định đầu tư chính xác.









